Trần Lân

Nhạc sĩ Chấn Hưng – Người mang hồn Nam Bộ vào từng bản nhạc

Là người con sinh ra tại Sài Gòn, không khó để lý giải vì sao nhạc sĩ – nhà sản xuất âm nhạc Chấn Hưng lại có tình cảm đặc biệt với con người và vùng đất phương Nam. Chính tình yêu ấy đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, len lỏi trong từng giai điệu, đặc biệt là những bản phối ca khúc viết về miền Tây Nam Bộ – nơi sông nước hiền hòa, con người mộc mạc mà nghĩa tình.
z6476625843723-0137b1f6cbf531d440f04f0aa7833f8b-1743849471.jpg
 

Những bản hòa âm của anh về vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn mang dấu ấn riêng biệt. Cách tiếp cận ấy khiến người nghe cảm nhận được sự thân quen, gần gũi nhưng vẫn đầy mới mẻ và độc đáo – một phong cách không trộn lẫn của Chấn Hưng.

“Đại ca Bolero” từ thuở học trò

Từ khi còn học Trung học phổ thông, cái tên Minh Vy (tên thật của Chấn Hưng) đã nổi bật trong phong trào văn nghệ học đường. Cậu học trò lớp 11 sớm trở thành "cánh chim đầu đàn", được thầy cô và bạn bè yêu mến bởi tài năng và sự cống hiến cho các hoạt động nghệ thuật.

Chính trong khoảng thời gian ấy, Minh Vy bắt đầu tìm thấy những người bạn chung đam mê, cùng sáng tạo nên những sản phẩm âm nhạc đầu tiên. Các tiết mục đơn ca do anh thể hiện nhanh chóng tạo được tiếng vang trong trường. Không chỉ biểu diễn, anh còn dành nhiều tâm huyết để chăm chút, thu âm lại những tác phẩm đã trình diễn.

May mắn thay, người mẹ vốn là nghệ sĩ cải lương đã luôn ủng hộ và giúp đỡ con trai trên hành trình âm nhạc. Nhờ sự hỗ trợ từ mẹ, những bản thu đầu tiên của Minh Vy ra đời, đánh dấu bước khởi đầu đầy cảm xúc.

nhac-si-chan-hung-1-1743849278.jpg
 

Hành trình trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp

Dù sau này chuyên môn chính của anh là hát phòng trà và hòa âm phối khí, nhưng kỹ thuật thu âm của Chấn Hưng được đánh giá không kém những người có bề dày kinh nghiệm. Anh từng được nhạc sĩ Đức Trí và nhạc sĩ Vĩnh Quốc hỗ trợ trong giai đoạn đầu – tiền đề cho sự ra đời của phòng thu Vĩnh Quốc Studio nổi danh một thời.

Tại đây, nhiều sản phẩm âm nhạc đã được thực hiện và gắn liền với tên tuổi các ca sĩ đình đám như: Mạnh Quỳnh, Phi Nhung, Châu Ngọc Hà, Hoàng Tâm Anh, Linh Vũ, Kim Hoa, Nhật Trường…

nhac-si-chan-hung-6-1743849278.jpg
 

Chia sẻ về hành trình này, Chấn Hưng nói:
“Tôi thích nói về cuộc đời và số phận con người bởi chữ duyên. Chính chữ duyên đã đưa tôi đến với âm nhạc, cho tôi sống được với nghề, đam mê dấn thân và lấy nó làm lẽ sống.”

Nhờ cái duyên ấy, từ một ca sĩ phòng trà, Chấn Hưng trở thành một nhà sản xuất âm nhạc đa tài, xây dựng được thương hiệu riêng trong dòng nhạc Bolero – cả trong nước lẫn hải ngoại. Ngày nay, anh còn được mời làm giám khảo trong nhiều gameshow và chương trình âm nhạc lớn. Trong giới, anh được mệnh danh là “Đại ca Bolero” bởi luôn sẵn lòng hỗ trợ những nghệ sĩ trẻ, đồng nghiệp mới vào nghề.

Với anh, âm nhạc chỉ thật sự thăng hoa khi lan tỏa được những giá trị tích cực đến cộng đồng.

z6476625841282-9ebe74bc0e3c7ad19a5d5c2332862bd3-1743849471.jpg
 

Chất Nam Bộ chảy trong huyết quản

Sinh ra ở Sài Gòn trong một gia đình gốc Bắc, nhưng Chấn Hưng khẳng định mình là người “rặt Nam Bộ”. Từ thuở nhỏ, anh đã lớn lên trong tiếng ru dân ca Nam Bộ, trong những đêm cải lương, kịch hát mà cha mẹ thường xuyên đưa đi xem. “Tuổi thơ tôi là những ngày tháng ba mẹ dẫn đi xem hát, xem kịch, cải lương, đi mà chẳng hiểu gì, cũng chẳng thấy hay...” – anh nhớ lại.

nhac-si-chan-hung-7-1743849278.jpg
 

Cả cha lẫn mẹ anh đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Họ kỳ vọng con trai nối nghiệp gia đình. Thế nhưng, trong lúc ấy, cậu bé Chấn Hưng chỉ mong học võ, chứ không thiết tha gì âm nhạc. Anh từng chống đối quyết liệt vì cảm thấy bị ép buộc.

Bố mẹ tôi bảo, gia đình có khó khăn đến mấy thì con cái vẫn phải được học hành đàng hoàng, nhất là những thứ mà bố từng yêu thích nhưng không có điều kiện thực hiện. Khi ấy tôi chưa hiểu tâm ý đó. Mỗi lần bị bắt học hát, học đàn, tôi chán nản đến mức chỉ mong đến ngày được đi chích ngừa để có lý do nghỉ học...” – anh kể.

Thế nhưng, chính sự nghiêm khắc của người cha đã giúp anh dần thay đổi. Cậu bé bướng bỉnh ngày nào bắt đầu làm quen với âm nhạc, học hát, học diễn, học đàn – dù năng khiếu lúc ấy chưa rõ ràng. Và rồi, âm nhạc bén rễ, trở thành đam mê, lý tưởng và sự nghiệp của anh suốt nhiều năm sau đó.