Nhằm đưa ra những kiến nghị giải quyết các vướng mắc, bất cập để tiếp tục phát triển điện khí theo định hướng tại quy hoạch điện VIII, sáng 24/1 tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và Thách thức”.
Trong những năm gần đây, khi mà những biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ nét tới môi trường sống trên trái đất thì nguồn phát thải ô nhiễm đã được chú ý giảm thiểu, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than đá, dầu thô) ngày một hạn chế. Con người đang hướng tới sử dụng những dạng nhiên liệu bền hơn, sạch hơn, ít gây ô nhiễm môi trường sống hơn. Việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam, song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Mai Duy Thiện – Tổng Biên tạp Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỉ m3 vào năm 2045.
Phát triển điện khí LNG góp phần bảo đảm cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, không gặp tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời. Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khả cao trong hệ thống hiện nay; đặc biệt, giúp ngành điện phát triển xanh hơn, góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang hướng phát triển năng lực xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí thiên nhiên hóa lỏng không dễ dàng, không thể thực hiện một sớm, một chiều. Các dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng thường đòi hỏi các nguồn vốn lớn… Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng ở Việt Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thậm chí Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, địa điểm thiết kế, xây dựng, vận hành và các cơ sở hạ tầng phục vụ cho khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu” – TS. Mai Duy Thiện chia sẻ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đưa ra những phân tích, nhận định và đánh giá tổng quan tiến trình phát triển điện khí nói riêng và phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam nói chung hiện nay; nêu lên thực trạng, những cơ hội cũng như thách thức trong quá trình xây dựng hệ thống cơ chế chính sách phát triển điện khí tại Việt Nam.
Theo TS. Vũ Quang Hùng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương cho biết, nguồn khí từ các mỏ đang chuẩn bị phát triển có điều kiện địa chất phức tạp và/hoặc mỏ nhỏ cận biên, chất lượng khí không cao dẫn đến giá khí dự kiến cao và tiến độ đưa vào khai thác còn rủi ro.
Tổng nguồn điện khí hiện có sẽ chuyển đổi sang sử dụng LNG trong giai đoạn 2024-2030 là khoảng 4.380MW, sau 2030 là 2.700MW. Việc chuyển đổi sang sử dụng LNG sẽ tăng kinh phí đầu tư và gián đoạn đến sản xuất một giai đoạn nhất định. Bên cạnh đó, hiện nay các tuyến ống dẫn khí từ kho LNG thiếu đồng bộ khi các khu công nghiệp được quy hoạch chưa tính đến dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Do vậy, TS. Vũ Quang Hùng đề xuất cần duy trì ổn định khai thác khí nhằm nguồn cung cấp khí ổn định, nâng cao năng lực khai thác nhằm đảm bảo cung cấp cho các nhà máy điện khí đang họat động; xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể cho vấn đề nhập khẩu LNG, hình thành thị trường LNG.
Đồng thời, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến giá và cơ chế giá; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định để hỗ trợ cho phát triển nhiệt điện khí, đảm bảo phát triển điện khí phù hợp với tình hình hệ thống điện; hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành chuỗi Khí - Điện nhằm thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư (IPP) quy mô lớn.
Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên; khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ khí, đặc biệt là các mỏ khí có trữ lượng giới hạn biên; đa dạng hóa hình thức đầu tư, liên doanh xây dựng nhà máy điện chạy khí để bán điện cho lưới điện quốc gia.
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, đầu tư cho phát triển LNG mở ra nhiều cơ hội nhưng thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng, giá mua bán sản phẩm... Đây là khúc mắc cần khơi thông để việc phát triển LNG trong năm 2024, đáp ứng mục tiêu Quy hoạch điện VIII của Chính phủ.
Ông Thập cũng cho hay, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế sẽ giúp có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng. Cùng với đó là lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai, xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sẽ giúp sử dụng hiệu quả, tối ưu điện khí LNG.
Minh Anh